Ghép tranh - trò chơi tuyệt vời giúp phát triển nhận thức cho trẻ 3-6 tuổi
Trí não & Nhận thức - 28/09/2019
Ghép tranh là một trò chơi tuy rất đơn giản nhưng lại giúp trẻ phát triển nhận thức về màu sắc và hình ảnh rất tốt. Bố mẹ cùng tham khảo cách chơi trò chơi thú vị này tại nhà cùng con nhé.
Ghép tranh là một hoạt động thủ công đơn giản, giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động tinh cũng như khả năng nhận thức về màu và chất liệu. Chưa kể đến việc khi bố mẹ cùng trẻ trò chuyện về bức tranh đang ghép thì sẽ giúp khả năng ngôn ngữ của trẻ được rèn luyện. Hoạt động này không quá phức tạp và bố mẹ có thể cùng trẻ ghép tranh với những nguyên vật liệu có sẵn tại nhà.
Bố mẹ cần gì cho trò ghép tranh
- Giấy
- Hồ hoặc keo
- Kéo
- Các vật liệu dùng để ghép tranh (bất kỳ thứ gì có thể được dính vào giấy) như: ảnh cắt từ tạp chí; các mẩu giấy, nơ hoặc vải; mì khô, ngũ cốc hay gạo; các loại đồ lóng lánh như sợi kim tuyến, những miếng giấy bạc; các “sản phẩm” của thiên nhiên như lá cây, lông vũ và cát; ngoài ra còn có thể là kẹp giấy, nút áo...
Bố mẹ nên ghép tranh cùng trẻ như thế nào?
- Để trẻ ghép tranh trên bàn, dùng khay hoặc hộp nhựa để đựng các vật liệu ghép tranh, tránh vứt lung tung, bừa bãi.
- Bố mẹ nên để trẻ ghép hình tùy theo ý thích. Có thể đó là hình cái cây hay chỉ đơn giản là những mẫu hình trang trí mà trẻ cho là đẹp. Hãy cứ để trẻ chọn và khen ngợi trẻ nhiều nhé.
- Ngồi chơi cùng trẻ. Bố mẹ nên trò chuyện về những gì trẻ đang làm và đặt ra những câu hỏi. Ví dụ: “Con dùng sợi ruy-băng xanh làm bầu trời đẹp thế! Có phải là con nghĩ đến kỳ nghỉ năm ngoái của nhà mình không?”. Bố mẹ cũng có thể tự làm một bức tranh ghép của riêng mình để hòa nhập hơn nữa với hoạt động của con.
Vì kỹ năng chưa hoàn thiện nên đôi lúc, trẻ sẽ chỉ dính được một vài thứ hoặc không biết dùng kéo, dùng hồ. Những lúc như vậy, bố mẹ cần giúp trẻ, và vẫn nên khen ngợi nỗ lực của trẻ. Ngoài ra, trẻ thường không thể tập trung được lâu, nên nếu con tỏ ra đã chán thì bố mẹ nên thu dọn đồ chứ không cần ép con chơi thêm hoặc phải làm cho xong bức tranh.
Nguồn tham khảo: Raising Children
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận