Tác hại của việc cho trẻ ăn dặm sớm mà bố mẹ không ngờ tới

Thể chất & Dinh dưỡng - 03/07/2020

Nhiều bố mẹ cho con ăn dặm sớm mà không biết đến những tác hại của việc cho trẻ ăn dặm sớm với sức khỏe của trẻ về sau này.

Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới, trẻ nhỏ nên được bắt đầu ăn dặm khi đã tròn 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vẫn có nhiều gia đình quyết định cho trẻ ăn dặm sớm trước thời điểm trên từ khi mới 3-4 tháng tuổi. Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hòa Kỳ) đã chỉ ra được tác hại của việc cho trẻ ăn dặm sớm.

Tác hại của việc cho trẻ ăn dặm sớm

Nghiên cứu trên được thực hiện trong vòng 6 năm trên 1500 trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 6 - 36 tháng tuổi. Tham gia nghiên cứu, bố mẹ của các em bé trên sẽ phải trả lời câu hỏi về thời điểm bắt đầu cho trẻ ăn những loại thực phẩm khác ngoài sữa. Kết quả cho thấy chỉ có 32.5% số trẻ trong nghiên cứu được ăn dặm đúng thời gian khuyến nghị. Trong khi đó, có 16.3% bố mẹ cho trẻ ăn dặm trước 4 tháng tuổi và 38.3% còn lại cho trẻ ăn dặm khi mới 4-5 tháng tuổi. Thậm chí, trong số những bố mẹ tham gia vào nghiên cứu này, có ⅛ người trong số đó quyết định cho trẻ ăn dặm quá muộn: khi trẻ 7 tháng tuổi hoặc hơn. 

>>> Xem thêm: Cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên mà bố mẹ nên biết

Theo giáo sư Chloe Barrera, chuyên gia dinh dưỡng của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết: ‘Việc cho trẻ ăn dặm quá sớm có thể khiến trẻ bỏ lỡ những dưỡng chất quan trọng có trong sữa mẹ hoặc sữa công thức. Ngược lại, nếu cho trẻ ăn dặm quá muộn, trẻ có thể bị thiếu chất, dễ bị dị ứng và có chế độ ăn kém về sau này khi lớn lớn.’

Một trong những tác hại của việc cho trẻ ăn dặm sớm đó là trẻ sẽ dễ bị béo phì và tiểu đường khi lớn lên.
Một trong những tác hại của việc cho trẻ ăn dặm sớm đó là trẻ sẽ dễ bị béo phì và tiểu đường khi lớn lên.

Một nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng, việc cho trẻ ăn dặm sớm cũng dẫn đến nguy cơ trẻ dễ bị béo phì và mắc các bệnh liên quan đến khả năng chuyển hóa như tiểu đường. 

Những lợi ích của sữa mẹ

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sữa mẹ cung cấp đủ các chất dinh dưỡng và sắt cho trẻ trong 6 tháng đầu đời. Trong sữa mẹ chứa các kháng thể, enzyme… giúp tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ trẻ khỏi nhiều bệnh tật. Chỉ đến khi 6 tháng tuổi, lượng sắt mà trẻ có được trong quá trình mang thai sẽ hết dần và lúc này mới cần bổ sung thêm sắt từ thực phẩm. Chính vì thế, việc cho trẻ ăn dặm quá sớm sẽ khiến trẻ mất cơ hội hấp thụ nhiều dưỡng chất quý giá từ sữa mẹ. Mẹ vẫn nên để trẻ tròn 6 tháng tuổi mới bắt đầu làm quen với thức ăn. Trẻ chỉ có 6 tháng đầu đời uống trọn vẹn dòng sữa mẹ nhưng lại có cả đời để ăn thức ăn. 

Em bé bú sữa.
Mẹ vẫn nên duy trì việc uống sữa của trẻ cho đến khi trẻ 6 tháng tuổi tròn.

Bên cạnh việc cho trẻ ăn dặm đúng theo thời gian quy định, mẹ cũng cần lưu ý đến những dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm như: ngồi vững, giữ thẳng đầu, khả năng vận động tinh phát triển đủ để trẻ cầm nắm thức ăn và cho vào miệng. Nếu trẻ có đủ những dấu hiệu trên và trước thời điểm ăn dặm khuyến nghị khoảng 1 tuần, mẹ cũng có thể cho trẻ làm quen dần dần với thức ăn. Tuy nhiên, vì chỉ là làm quen nên mẹ không nên đặt nặng áp lực ăn nhiều ăn ít cho con nhé.

Sự phát triển của khoa học giúp bố mẹ có cơ hội được tiếp cận nguồn kiến thức chăm sóc và nuôi dạy con tiến bộ. Chính vì thế, cho dù có áp lực từ gia đình, từ các phương pháp nuôi dạy con truyền thống, bố mẹ cùng đừng vì thế mà bỏ qua tác hại của việc cho trẻ ăn dặm sớm và làm theo những thói quen cũ. ODPHUB mong rằng, qua bài viết này, bố mẹ cũng sẽ tự tin hơn trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy con theo ý mình. 

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận