Những đặc điểm và cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh dưới 3 tháng
Thể chất & Dinh dưỡng - 16/10/2019
Ở giai đoạn mới chào đời, trẻ sơ sinh có thể thay đổi từng ngày. Do đó, nếu biết rõ những đặc điểm và cột mốc phát triển của trẻ thì bố mẹ sẽ bớt hẳn những lo lắng và băn khoăn không đáng có.
Trong ba tháng đầu đời, trẻ sơ sinh phát triển rất nhanh về mọi mặt, cả các đặc điểm vật lý, đến vận động và các giác quan.
Dự báo tăng trưởng
Chiều cao và cân nặng của các trẻ ở giai đoạn này có thể rất khác nhau, bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Chiều cao, cân nặng khi sinh của bố mẹ ruột.
- Thời gian em bé nằm trong bụng mẹ.
- Chế độ dinh dưỡng.
- Môi trường sống.
Các cột mốc về chiều cao, cân nặng
Đây là những cột mốc đáng nhớ của trẻ sơ sinh:
- Trong tuần đầu tiên, trẻ sẽ giảm từ 5 đến 7% trọng lượng so với lúc chào đời. Trẻ bú mẹ có thể giảm tới 10% trọng lượng, nhưng bố mẹ nên theo dõi sát sao để hỏi ý kiến bác sĩ nếu thấy lo lắng.
- Đến khoảng tuần thứ hai, trẻ sẽ tăng cân trở lại bằng lúc mới sinh.
- Sau đó, trẻ tăng khoảng 28-30 gram mỗi ngày là bình thường.
- Đến mốc 3 tháng, trẻ có thể tăng thêm 0,5 kg mỗi tháng, còn chiều cao tăng thêm 20%.
Đặc điểm vùng đầu của trẻ
Khi mới chào đời, đầu của trẻ chiếm tỷ lệ lớn so với cơ thể và bố mẹ có thể nhìn thấy phần thóp rất mềm. Đầu của trẻ có thể hơi bị méo hoặc lệch, nhưng bố mẹ đừng lo lắng vì dần dần, đầu sẽ tròn trở lại.
Các đặc điểm thể chất
Những đặc điểm thể chất sau của trẻ sơ sinh là bình thường:
- Mắt hơi sưng khi mới sinh.
- Tai dẹt và ép vào thái dương.
- Môi có những vết rộp sau khi bú sữa.
- Có nhiều lông trên cơ thể (nhất là với trẻ sinh non).
- Da khô
- Bộ phận sinh dục có thể hơi phồng hoặc đỏ.
- Mũi dẹt.
Kỹ năng vận động
Trẻ sẽ học vận động từ đầu xuống chân. Trẻ dưới 2 tháng tuổi vẫn chưa điều khiển được hành động của mình, nên nếu trẻ tình cờ đẩy bình sữa thì bố mẹ cũng đừng vội nghĩ là trẻ không muốn ăn nữa.
Trẻ 3 tháng tuổi thường nhìn chăm chăm vào bàn tay mình, và bắt đầu hiểu rằng đây không phải đồ chơi mà là một phần cơ thể. Trẻ cũng có thể bắt đầu với tay về phía khuôn mặt bố mẹ hoặc một món đồ chơi ở gần.
Phát triển vị giác và khứu giác
Khi còn trong bụng mẹ, trẻ đã có thể ngửi mùi và cảm nhận được hương vị. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, chế độ ăn uống của mẹ khi mang thai và cho con bú có thể ảnh hưởng đến khẩu vị của trẻ sau này. Trẻ sơ sinh cũng nhận ra mùi hương quen thuộc của mẹ nên nếu mẹ không ở bên cạnh thì có thể để chiếc áo của mẹ gần trẻ, để trẻ an tâm hơn.
Phát triển thính giác
Trẻ có thể giật mình khi nghe tiếng động lớn, hoặc quay đầu về phía có âm thanh. Trẻ nghe được từ khi còn nằm trong bụng mẹ, nhưng trong 3 tháng đầu thì thính giác của trẻ chưa tốt như người lớn. Phải một thời gian nữa thì trẻ mới nghe được rõ hơn.
Phát triển thị giác
Thị lực phát triển chậm nhất trong số các giác quan. Đầu tiên, trẻ chỉ nhìn được những vật ở cách mắt mình không quá 40 cm. Trẻ nhìn vẫn còn mờ và thường thích những màu sắc rực rỡ, tương phản.
Phát triển xúc giác
Xúc giác phát triển nhanh nhất từ khi mới sinh, thể hiện qua việc trẻ thích được kề da với bố mẹ, thích được ôm ấp và có phản ứng khi được massage hoặc chạm vào người. Các nghiên cứu cho thấy, việc trẻ được ôm ấp, âu yếm thường xuyên sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn về nhận thức, các kỹ năng xã hội, và hệ miễn dịch cũng tốt hơn. Vì vậy, bố mẹ hãy chú ý xem con mình thường có phản ứng tích cực với những kiểu âu yếm, chăm sóc nào, để đáp ứng mong muốn của con nhé.
Nguồn tham khảo: Verywellfamily.com
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận