5 bí quyết đơn giản mà hiệu quả giúp trẻ làm quen với đồ ăn mới

Thể chất & Dinh dưỡng - 11/01/2020

Không phải trẻ em nào cũng ham thích khám phá đồ ăn và sẵn sàng làm quen với đồ ăn mới. Khi trẻ e dè trước món ăn lạ thì bố mẹ nên làm thế nào đây?

Bố mẹ nào cũng ao ước con mình sẽ ham thích ăn uống và vui vẻ hào hứng với tất cả đồ ăn mới. Bởi ăn thực phẩm càng đa dạng thì trẻ sẽ thu nhận được đủ chất dinh dưỡng hơn, có thêm niềm vui trong ăn uống. Nhưng đa số trẻ nhỏ đều chỉ yêu thích một vài đồ ăn nhất định và sẽ lắc đầu trước các món mới.

Khi này, bố mẹ nên làm thế nào để giúp trẻ chịu làm quen với đồ ăn mới? Hãy cùng ODPhub.com tìm hiểu các bí quyết hiệu quả nhất nhé.

Tre An Uong
Không phải trẻ nào cũng sẵn sàng làm quen với đồ ăn mới

1. Để đồ ăn mới chung với các món quen thuộc chứ đừng tách riêng

Khi trẻ đã thuộc dạng kén ăn mà chỉ có món ăn mới để lựa chọn, trẻ sẽ càng không muốn ăn hơn. Ngược lại, bày món mới giữa một bàn nhiều món quen thuộc sẽ giúp trẻ thấy hào hứng với việc ăn uống, sẵn sàng ăn thật nhiều. Và trong khi trẻ đang vui vẻ ăn những món yêu thích, bố mẹ có thể dụ trẻ thử nghiệm một chút món mới. Chắc chắn trẻ sẽ không từ chối điều này đâu.

2. Sẵn sàng chấp nhận thất bại

Ngay cả khi trẻ đồng ý ăn thử món mới, thì trẻ cũng chỉ chịu ăn một chút xíu. Như là một cọng rau, hay một lát thịt gà nhỏ mà thôi. Bố mẹ đừng nên nóng vội muốn trẻ ăn nhiều, hoặc kỳ vọng rằng trẻ sẽ nhanh chóng yêu thích món ăn mới. Hãy coi đây là một hành trình dài, cần đi từng bước nhỏ và đôi khi cũng có thất bại khi trẻ nhất định không muốn ăn.

Tre An Rau Cu
Bố mẹ hãy chấp nhận việc trẻ không sẵn sàng thử đồ ăn mới

3. Dạy trẻ cách bỏ thức ăn một cách lịch sự

Cũng như người lớn, trẻ nếu ăn phải một món mình không thích, quá cay hay khó ăn thì sẽ muốn nhổ ra ngoài. Nhất là khi lần đầu làm quen với món ăn mới thì khả năng trẻ muốn bỏ đồ ăn càng cao hơn. Bố mẹ hãy dạy trẻ cầm sẵn giấy ăn, nếu không thể ăn tiếp được thì cúi đầu thấp xuống, đưa giấy ăn lên sát miệng và nhẹ nhàng nhè đồ ăn vào giấy rồi gói gọn lại. Biết cách bỏ đồ ăn một cách lịch sự sẽ giúp trẻ thấy thoải mái và nhẹ nhàng hơn khi tiếp cận với món ăn mới, giúp trẻ tự tin hơn khi đi ăn ở trường, nhà hàng hay tới nhà bạn bè chơi.

4. Miêu tả đồ ăn mới một cách thật hấp dẫn

Khi muốn giới thiệu món ăn mới cho trẻ, bố mẹ nên cung cấp một vài thông tin thật thú vị nhưng đừng quảng cáo quá đà như người bán hàng. Chẳng hạn như mẹ có thể kể “Đây là món gà nướng. Mẹ đã ướp thịt gà với nước sốt làm từ nhiều loại gia vị rau củ rất thơm giúp gà mềm và thơm ngon hơn. Con có thể ăn không hoặc ăn với cơm đều được” hoặc “Món cá này đã được mẹ lọc bỏ hết xương rồi. Cá có nhiều chất dinh dưỡng giúp con cao lớn thông minh hơn đấy”.

Tre Lam Quen Do An Moi
Món ăn mới được trình bày hấp dẫn sẽ kích thích trẻ hơn.

5. Sử dụng bát đĩa mới cho đồ ăn mới

Đa số trẻ nhỏ đều rất nhạy cảm với những món ăn có mùi vị mới lạ. Thậm chí có trẻ còn phản ứng nếu thấy món mới được đặt trong bát đĩa quen thuộc của mình. Vì thế, bố mẹ nên bày món ăn mới trong những bát đĩa mới, để bên cạnh bộ đồ ăn yêu thích của trẻ. Như vậy, trẻ sẽ nhìn thấy món mới và có thể nảy sinh ý muốn cầm vào, hoặc ăn thử một chút xem sao. Còn nếu trẻ chưa muốn làm như vậy, bố mẹ vẫn nên kiên nhẫn chờ đến lần sau.

>>> Bố mẹ có thể xem thêm: 5 loại thức ăn và đồ uống không tốt cho trẻ như bố mẹ vẫn tưởng

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận