4 lưu ý về ăn uống và dinh dưỡng cho trẻ 2 tuổi

Thể chất & Dinh dưỡng - 07/10/2019

Trẻ 2 tuổi nên ăn 3 bữa chính mỗi ngày, cộng thêm 1-2 bữa nhẹ. Lúc này, trẻ có thể ăn các món giống với cả nhà rồi, nên bố mẹ chỉ cần lưu ý một vài điểm là có thể giúp việc ăn uống của trẻ được đầy đủ, thoải mái và thuận tiện.

Trẻ 2 tuổi đang phát triển mạnh các kỹ năng ngôn ngữ và xã hội, nên rất hào hứng khi được ngồi ăn cùng với mọi người trong nhà. Vậy bố mẹ cần lưu ý những gì để việc ăn uống là trải nghiệm vui cho trẻ và cho cả gia đình? Hãy tham khảo 4 lưu ý về dinh dưỡng dưới đây:

Giảm sức ép cho cả bố mẹ lẫn con

Để giảm căng thẳng cho cả người lớn lẫn trẻ em, bố mẹ cần nhớ:

  • Không cần cố định lượng ăn của trẻ.
  • Tạo thói quen ăn uống lành mạnh - bao gồm việc để trẻ ngồi ăn cùng gia đình khi đến giờ ăn, không cần cho trẻ ăn riêng.
  • Chọn thức ăn lành mạnh cho cả nhà.

Dinh dưỡng cho trẻ 2 tuổi
Bố mẹ đừng quá căng thẳng và áp lực trong việc ăn uống của trẻ

Những thức ăn không an toàn cho trẻ 2 tuổ

Trẻ 2 tuổi thường đã có thể dùng được thìa, dùng một tay cầm cốc uống nước và tự bốc nhiều loại thức ăn. Tuy nhiên, trẻ vẫn đang học cách nhai nuốt và đôi khi có thể nuốt chửng một miếng to khi đang mải chơi. Do đó, trẻ rất dễ bị hóc hoặc sặc. Vậy bố mẹ nên tránh các loại thức ăn dễ bị trẻ nuốt cả miếng, gây hóc và tắc khí quản, như: xúc xích (trừ khi được cắt thật nhỏ), cả thìa bơ lạc (bơ đậu phộng) lớn, các loại hạt (nhất là lạc/đậu phộng, ngoài ra thì cả hạt bí, hạt hướng dương cũng có nguy cơ gây hóc), cả quả nho, cả quả anh đào nguyên hạt, kẹo tròn và cứng hoặc kẹo dẻo, kẹo cao su, kẹo bấc, bỏng ngô, hoặc bất kỳ loại thức ăn nào để miếng lớn (cà rốt, thịt, khoai tây…).

Trẻ ăn thế nào là lành mạnh?

Hàng ngày, trẻ cần ăn đủ thực phẩm từ 4 nhóm cơ bản:

  • Thịt, cá, thịt gia cầm, trứng.
  • Sữa, phô mai, và các sản phẩm từ sữa khác.
  • Hoa quả và rau.
  • Ngũ cốc, khoai tây, gạo, các sản phẩm bột mì.

    Dinh dưỡng cho trẻ 2 tuổi
    Bé cần ăn đủ các nhóm thức ăn cơ bản

Tuy nhiên, không phải lúc nào trẻ cũng ăn đủ 4 nhóm thực phẩm như vậy. Nhiều trẻ nhất quyết không ăn một số thứ, hoặc chỉ ăn rất ít món. Nhưng bố mẹ đừng quá lo lắng, bởi người lớn càng ép thì trẻ càng không chịu ăn.

Việc bố mẹ nên làm là cứ cho trẻ nhiều loại thức ăn đa dạng và để trẻ tự chọn. Dần dần, trẻ sẽ hướng tới cách ăn cân bằng. Ngoài ra, trẻ con rất thích tự ăn, nên bố mẹ cố gắng cho trẻ nhiều món có thể ăn bốc thì trẻ sẽ hứng thú hơn.

Thực phẩm bổ sung có cần thiết không?

Việc uống thêm vitamin là không quá cần thiết đối với những trẻ có chế độ ăn đa dạng. Tuy nhiên, nếu trẻ ăn quá ít thịt hoặc các loại rau giàu chất sắt thì bố mẹ có thể cho trẻ uống bổ sung sắt. Uống quá nhiều sữa (hơn 960ml/ngày) cũng có thể cản trở sự hấp thu sắt, làm tăng nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt.

Trẻ chỉ nên uống 480ml sữa ít béo hoặc không béo mỗi ngày là đủ canxi. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị trẻ em nên uống sữa nguyên kem (4% chất béo) cho đến khi 2 tuổi thì chuyển sang sữa ít béo (dưới 2% chất béo) hoặc không béo, trừ khi có lý do để chuyển đổi sớm hơn.

Ngoài ra, nếu trẻ ít tiếp xúc với ánh nắng hoặc bố mẹ lo rằng trẻ không nạp đủ vitamin D từ thức ăn thì có thể hỏi ý kiến bác sĩ để cho trẻ uống bổ sung.

Nguồn: www.healthychildren.org

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận