Những nhận thức và giai đoạn phát triển trẻ cần có trong quá trình học đọc
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 06/01/2020
Để hỗ trợ trẻ học đọc một cách hiệu quả, bố mẹ cần nắm rõ từng giai đoạn trong quá trình học của trẻ. Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu nhé!
Phát triển ngôn ngữ là quá trình diễn ra tự nhiên, nhưng việc trẻ học đọc lại không như vậy. Để có thể biết đọc, trẻ cần được dạy rất cẩn thận. Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tham khảo về quá trình trẻ học đọc, từ đó có các phương pháp hỗ trợ trẻ thật hiệu quả nhé!
Trẻ học đọc thì cần nhận biết được những gì?
Âm vị
Nhận thức về âm vị có nghĩa là trẻ hiểu rằng, lời nói được tạo thành bởi nhiều âm thanh riêng lẻ. Đây là điều rất quan trọng để chuẩn bị cho việc tập đọc của trẻ.
Bảng chữ cái
Trẻ cần hiểu rằng những ký hiệu trên giấy tượng trưng cho những âm thanh khác nhau. Những ký hiệu này chính là chữ cái.
Tuy nhiên, để đọc được thì ngoài việc nhớ mặt chữ cái, trẻ còn phải biết cách phát âm của những chữ cái đó nữa.
Mối liên hệ giữa âm thanh và từ ngữ
Việc nhớ cách phát âm của từng chữ cái cũng vẫn là chưa đủ, mà trẻ còn cần biết cách kết nối những từ ngữ với các âm thanh nữa. Và tất nhiên, việc này không hề đơn giản.
Ví dụ, từ “leo” được tạo thành từ ba âm thanh, được tượng trưng bởi 3 chữ cái khác nhau l, e, o. Trẻ cần biết rằng 3 âm thanh này kết hợp với nhau thì tạo thành từ “leo”.
>>> Tham khảo thêm: 6 "bí kíp" để nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách của trẻ tại nhà
Các giai đoạn phát triển kỹ năng đọc
Cũng giống như quá trình phát triển ngôn ngữ, việc trẻ học đọc cũng diễn ra qua các bước phát triển khác nhau.
Trước khi bắt đầu học bảng chữ cái
Ở giai đoạn này, trẻ nhận ra và nhớ hình dáng của các chữ cái, rồi dựa vào đó để nhớ ra một số từ. Trẻ có thể dễ nhầm lẫn những từ có hình dáng gần giống nhau, như “đa” và “da”.
Trong quá trình học bảng chữ cái
Lúc này, trẻ có thể ghi nhớ các từ in trên giấy bằng cách liên kết một hoặc hai chữ cái với âm thanh mà mình nghe thấy khi từ đó được đọc lên. Tức là, trẻ nhận ra được ranh giới giữa các từ, cũng như thường nhận ra chữ cái đầu, chữ cái cuối, cũng như cách phát âm của một từ nhất định. Ví dụ, trẻ có thể nhận ra từ “kem” bằng chữ “k” ở đầu và chữ “m” ở cuối. Tuy nhiên, trẻ có thể nhầm từ “kem” với “kim”, vì chúng có âm đầu và cuối giống nhau.
Khi đã học hết bảng chữ cái
Trong giai đoạn này, trẻ đã ghi nhớ tất cả các chữ cái cùng cách phát âm của chúng. Trẻ cũng biết đọc các từ bằng cách đánh vần từng chữ cái và ghép chúng lại với nhau. Ngoài ra, trẻ cũng phân biệt được sự khác nhau giữa các từ trông tương tự, như “mắt” và “mát”.
Củng cố bảng chữ cái
Ở giai đoạn phát triển này, trẻ dễ dàng nhận ra các chuỗi chữ cái tạo thành những từ quen thuộc. Trẻ có thể thấy sự giống nhau giữa những từ như “may”, “bay”, “cay”... Thay vì phải đánh vần từng chữ cái, trẻ có thể nhớ được cách đọc luôn từng từ và coi đó chỉ là một âm thanh (chứ không phải là sự kết hợp vài âm thanh của vài chữ cái nữa). Từ đó, trẻ bắt đầu đọc nhanh hơn nhiều.
Dần dần, trẻ học đọc nhiều câu và đoạn văn. Đến lúc này, trẻ có thể bắt đầu tập trung vào việc hiểu nội dung những gì mình đang đọc. Vậy tùy theo giai đoạn phát triển của trẻ, bố mẹ nhớ tìm cho trẻ những cuốn sách phù hợp, để thúc đẩy khả năng đọc của trẻ nhé!
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận