Trẻ gặp vấn đề về nghe hiểu: dấu hiệu, nguyên nhân và cách hỗ trợ
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 09/12/2019
Trẻ không nghe lời là do nhiều nguyên nhân khác nhau, và một trong số đó có thể là do trẻ gặp vấn đề về nghe hiểu đấy bố mẹ ạ!
Trẻ không nghe lời bố mẹ là chuyện khá phổ biến. Tuy nhiên, nếu bố mẹ nhắc nhở nhiều lần mà trẻ vẫn nói những câu như “dạ?”, “sao ạ?”, thì rất có thể là do trẻ gặp vấn đề về nghe hiểu.
Những dấu hiệu cho thấy trẻ gặp vấn đề về nghe hiểu
- Gặp khó khăn khi phải làm theo chỉ dẫn bằng lời nói, đặc biệt là những chỉ dẫn bao gồm nhiều bước.
- Thường xuyên bảo người khác nhắc lại những gì họ vừa nói.
- Dễ bị phân tâm, đặc biệt là bởi âm thanh xung quanh, tiếng động lớn và đột ngột.
- Gặp khó khăn khi tập đọc và đánh vần.
- Khó bám sát những cuộc trò chuyện.
- Gặp nhiều khó khăn khi học thuộc bài hát và thơ có vần điệu.
- Không nhớ được chi tiết những gì mình vừa nghe hoặc đọc được.
Những nguyên nhân có thể khiến trẻ gặp vấn đề về nghe hiểu
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ không lắng nghe hay làm theo chỉ dẫn. Nhiều trẻ không theo kịp những gì người khác đang nói chỉ vì khó giữ tập trung và trẻ thôi không tiếp tục lắng nghe nữa. Những trẻ này cũng ít ghi nhớ được những thông tin mình vừa nghe.
Nhưng một số trẻ thì khó hiểu được những điều người khác nói do cách não bộ của trẻ xử lý các âm thanh, khiến trẻ khó nhận ra những sự khác biệt giữa các âm thanh. Vì vậy, khi ở nơi có nhiều tiếng ồn như ở lớp học hay ngoài phố, thì trẻ càng gặp nhiều khó khăn. Trẻ sẽ liên tục phải nhờ người lớn lặp lại những điều vừa nói, khiến người khác có thể hiểu nhầm rằng trẻ không chú ý.
Ngoài ra, nhiều trẻ khó hiểu được những gì người khác nói vì những lý do khác, như trẻ khó phân biệt các tông giọng khác nhau, hoặc không hiểu được ý tứ của người nói.
Những điều bố mẹ nên làm để hỗ trợ trẻ
Bố mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng của trẻ để tìm ra phương pháp hỗ trợ phù hợp và hiệu quả nhất. Dưới đây là các bước bố mẹ nên thực hiện:
- Trước hết, chú ý quan sát hành vi của trẻ, tìm ra những mẫu hành vi nhất định.
- Nói với bác sĩ những dấu hiệu mà bố mẹ thấy ở trẻ và cho trẻ được kiểm tra, nếu cần.
- Nếu bác sĩ đã kiểm tra và cho rằng trẻ không có vấn đề gì về thính giác hay nghe hiểu, thì bố mẹ nên trò chuyện với giáo viên của trẻ. Hãy hỏi kỹ giáo viên để xem ở trường học thì trẻ có những dấu hiệu giống khi ở nhà không. Giáo viên cũng có thể sẽ đưa ra một vài gợi ý để bố mẹ hỗ trợ trẻ ở nhà, như bảo trẻ nhìn vào mắt khi bố mẹ đang nói, loại bỏ mọi thứ có thể gây xao nhãng trong quá trình trò chuyện...
- Cùng giáo viên tìm ra thế mạnh và điểm yếu của trẻ, để có cách hỗ trợ phù hợp.
Những trẻ gặp vấn đề về nghe hiểu có thể khó giao tiếp xã hội, thậm chí cho rằng mình “không bình thường”. Do đó, bố mẹ nên tích cực động viên trẻ, giúp trẻ phát huy các ưu điểm, đồng thời tìm những hoạt động hỗ trợ sự phát triển não bộ của trẻ nhé!
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận