Trẻ bị rối loạn giao tiếp: Nguyên nhân và biểu hiện
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 20/12/2019
Rối loạn giao tiếp gây ra nhiều trở ngại trong cuộc sống của trẻ và cũng khiến bố mẹ rất lo lắng. ODPHUB sẽ giới thiệu với bố mẹ về những nguyên nhân và biểu hiện của chứng rối loạn này nhé!
Trẻ bị rối loạn giao tiếp sẽ gặp khó khăn trong quá trình giao tiếp và trò chuyện với người khác. Những trẻ này có thể không hiểu những gì người khác nói, hoặc không biết cách sử dụng ngôn ngữ để trò chuyện.
Các loại rối loạn giao tiếp
Có một vài loại rối loạn giao tiếp phổ biến, là:
- Rối loạn diễn đạt và tiếp thu ngôn ngữ: Trẻ bị chậm phát triển và gặp khó khăn trong việc sử dụng và hiểu ngôn ngữ nói.
- Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt: Trẻ chậm phát triển và gặp khó khăn trong việc nói.
- Rối loạn âm ngữ: Trẻ vẫn khó nói rõ ràng khi đã đạt đến một độ tuổi nhất định.
- Nói lắp: Bắt đầu từ khi còn nhỏ và có thể kéo dài đến hết đời.
- Rối loạn giao tiếp xã hội: Trẻ gặp khó khăn khi giao tiếp bằng lời và không bằng lời, nhưng không phải do các vấn đề về tư duy, trí tuệ.
Nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn giao tiếp
Rối loạn giao tiếp có thể là một rối loạn phát triển, nhưng cũng có thể do:
- Các vấn đề về thể chất, như vấn đề trong phát triển não bộ.
- Mẹ bị nhiễm các chất độc hại trong quá trình mang thai, như chì hay ma túy.
- Các vấn đề về gen.
Tuy các nhà khoa học không cho rằng giới tính là một nguyên nhân, nhưng trẻ nam lại có xu hướng bị rối loạn giao tiếp nhiều hơn trẻ nữ. Ngoài ra, những trẻ mắc chứng này cũng thường có các chứng bệnh tâm lý, thần kinh khác.
Biểu hiện của trẻ bị rối loạn giao tiếp
Mỗi trẻ có thể có những biểu hiện khác nhau, nhưng đây là những dấu hiệu phổ biến nhất:
- Không nói gì.
- Vốn từ rất hạn chế so với các bạn cùng lứa tuổi.
- Khó hiểu được cả những chỉ dẫn đơn giản, khó đọc tên đồ vật.
Phần lớn trẻ bị rối loạn giao tiếp đều sẽ nói được khi bắt đầu đi học, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Bố mẹ cũng nên lưu ý rằng, những dấu hiệu trên có thể hơi giống triệu chứng của nhiều bệnh khác. Nên tốt nhất là bố mẹ cho trẻ gặp bác sĩ để được đánh giá chính xác nhé! ODPHUB hy vọng rằng qua bài viết này, bố mẹ đã có được những thông tin cơ bản về chứng rối loạn giao tiếp ở trẻ.
>>> Tham khảo thêm: Trẻ bị rối loạn giao tiếp: Bố mẹ nên làm gì?
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận