Những gợi ý giúp trẻ phát triển kỹ năng viết tùy theo độ tuổi

Giao tiếp & Ngôn ngữ - 26/09/2019

Kỹ năng viết bắt đầu hình thành khi trẻ vẽ, tô màu rồi dần dần biết viết các chữ cái và từ ngữ. Với sự hỗ trợ tích cực từ bố mẹ, trẻ sẽ có thể phát triển kỹ năng quan trọng này từ khi còn nhỏ.

Kỹ năng viết là rất cần thiết cho nhiều việc trong cuộc sống, chứ không chỉ là trong học tập. Để giúp trẻ luyện tập kỹ năng viết tùy theo độ tuổi, bố mẹ có thể tham khảo những cách dưới đây nhé:

Với trẻ 1-3 tuổi

Kỹ năng viết của trẻ bắt đầu phát triển từ khi trẻ tập vẽ. Khi khoảng 2 tuổi, trẻ sẽ bắt đầu thích vẽ bằng bút sáp màu hoặc phấn. Bố mẹ có thể:

  • Chuẩn bị bút sáp màu và giấy, hoặc bảng và phấn với kích thước phù hợp với tay trẻ. Việc dùng ngón tay cầm bút màu hay phấn giúp tạo cơ sở cho trẻ biết cầm bút để viết chữ về sau.

Giup Tre Phat Trien Ky Nang Viet 1
Bố mẹ hãy cho trẻ sử dụng bút sáp màu hoặc phấn.

  • Khuyến khích trẻ vẽ những gì mình thích. Ví dụ, nếu trẻ thích côn trùng, bố mẹ có thể vẽ thân của con rết để trẻ tự vẽ thêm chân xung quanh. Hoặc vào ngày mưa, bố mẹ vẽ mây đen để trẻ vẽ hạt mưa rơi xuống.
  • Tạo nhiều cơ hội cho trẻ được chơi những trò hỗ trợ kỹ năng vận động tinh như xâu hạt cườm vào dây, nặn đất, xếp hình khối… Việc này sẽ giúp cơ bàn tay của trẻ sẽ phát triển, có ích cho việc cầm bút của trẻ sau này.     
  • Kê/dựng mặt phẳng mà trẻ vẽ cao lên, để nó nghiêng chéo về phía trẻ. Bố mẹ cũng có thể dùng giá vẽ hoặc bảng treo trên tường. Việc này sẽ khuyến khích trẻ viết/vẽ những nét dọc từ trên xuống dưới, hỗ trợ cho việc viết chữ về sau.

Giup Tre Phat Trien Ky Nang Viet 2
Bố mẹ có thể dùng giá vẽ hoặc bảng treo trên tường.

  • Hạn chế cho trẻ dùng bút dạ hoặc bút chì, vì trẻ chưa giỏi kiểm soát các cơ bàn tay.

Với trẻ 3-6 tuổi

Ở giai đoạn này, trẻ thường bắt đầu vẽ những nét thẳng và đường tròn, rồi kết hợp những nét đó để tạo thành hình người và đồ vật. Trẻ cũng có thể bắt đầu biết viết những chữ đầu tiên. Bố mẹ có thể tạo điều kiện cho trẻ phát huy những kỹ năng viết cần thiết bằng cách:

  • Tiếp tục cho trẻ sử dụng các loại bút màu hoặc phấn cỡ to, cho đến khi trẻ kiểm soát được các ngón tay tốt hơn và có thể cầm được bút chì. 

Giup Tre Phat Trien Ky Nang Viet 3
Bố mẹ nên tiếp tục cho trẻ sử dụng các loại bút màu hoặc phấn cỡ to

  • Khuyến khích trẻ vẽ theo những đường đơn giản từ trên xuống dưới, từ trái sang phải trên tờ giấy. Đồng thời, bố mẹ nên cố gắng nghĩ ra những câu chuyện vui để việc vẽ trở nên thú vị hơn, ví dụ như: “Mình cùng giúp cún con tìm đường về nhà nào!”.
  • Luyện vẽ hình tròn theo ngược chiều kim đồng hồ, vẽ từ trên xuống dưới tờ giấy,  vì đây là mẫu hình được sử dụng phổ biến khi viết chữ.
  • Khi trẻ dùng bút sáp màu hay bút chì thành thạo hơn, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ vẽ hình người đơn giản (được tạo nên từ các đường thẳng, hay còn gọi là “người que”). Bố mẹ có thể dán tranh trẻ vẽ lên tủ lạnh hoặc lên tường, trẻ sẽ rất tự hào với tác phẩm của mình.
  • Dạy trẻ nhận diện và viết tên của mình bằng cách cho con tô lần lượt các chữ cái trong tên mình. Khi trẻ mới tập tô chữ, bố mẹ có thể cầm tay để nắn nét chữ cho con. 

Giup Tre Phat Trien Ky Nang Viet 4
Bố mẹ có thể cho trẻ tập tô chữ.

  • Dạy trẻ học bảng chữ cái. Một cách khá thú vị là cùng con vừa đọc chữ cái vừa vỗ tay theo nhịp.
  • Tạo cơ hội cho trẻ được viết và vẽ trên những chất liệu khác, ví dụ như cát, bùn, hoặc di ngón tay trên những chữ ở các bảng hiệu hoặc bìa sách, nặn đất nặn thành hình chữ… Bố mẹ có thể chụp ảnh lại những bức tranh trẻ vẽ ra để cho trẻ xem lại. 

Ngoài ra, một số trò chơi đóng giả, sáng tạo cũng có thể giúp cải thiện khả năng đọc viết của trẻ và phần nào giúp trẻ luyện tập kỹ năng viết chữ.

Nguồn tham khảo: Raising Children

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận