6 "mẹo" giúp trẻ phát triển ngôn ngữ nhanh chóng và hiệu quả
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 08/11/2019
Trẻ 1 tuổi có thể học được khoảng 9 từ mỗi ngày. Vậy bố mẹ có thể làm gì để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ hiệu quả?
Khi tập nói, trẻ học hỏi được rất nhiều thông qua những phản hồi từ bố mẹ. Do vậy, bố mẹ trò chuyện với trẻ càng nhiều, thì các kỹ năng ngôn ngữ của trẻ càng tốt. Không chỉ vậy, việc này cũng giúp xây dựng sự gắn bó giữa bố mẹ và con cái. Dưới đây là một vài “mẹo” để bố mẹ giúp sự phát triển ngôn ngữ của trẻ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả nhé:
Nói tên những thứ mà trẻ thích
Nếu đang chơi ô tô, trẻ sẽ thích học từ “ô tô”, hoặc những từ có liên quan (bánh xe, tay lái…), hơn là từ “hươu cao cổ” mà bố mẹ dùng để nói đến con hươu cao cổ bằng bông ở đằng xa.
Thực sự trò chuyện
Dù trẻ mới 1 tuổi, nhưng bố mẹ cũng nên trò chuyện với trẻ như với một người lớn hiểu biết. Chẳng hạn, bố mẹ có thể hỏi về những việc trẻ làm trong ngày, rồi dừng một chút để đợi trẻ phản hồi (dù là ban đầu, trẻ có thể chưa biết trả lời thế nào, hoặc nói rất lung tung). Việc này sẽ giúp trẻ cố gắng tìm cách đáp lại bố mẹ và tự tin hơn với kỹ năng ngôn ngữ của mình, từ đó phát triển ngôn ngữ nhanh chóng hơn.
Nhẹ nhàng chỉnh phát âm cho trẻ
Khi trẻ phát âm sai, bố mẹ hãy nhẹ nhàng điều chỉnh chứ đừng lặp lại cách nói sai theo trẻ. Ví dụ, trẻ đọc là “tó”, bố mẹ có thể nói: “Đúng rồi, đó là con chó đấy!”. Khi trẻ bắt đầu phát âm đúng, bố mẹ nên miêu tả thêm, như: “Đó là con chó màu đen”.
Sử dụng đại từ nhân xưng
Các đại từ nhân xưng của tiếng Việt rất phong phú, nên nếu bố mẹ không thường xuyên sử dụng chúng thì trẻ sẽ rất khó nắm vững được. Vậy, khi nói về trẻ, bố mẹ cứ dùng từ “con”: “Con làm xong chưa?”, thay vì chỉ nói tên con theo kiểu: “Linh làm xong chưa?”. Bố mẹ cũng nên dùng những đại từ phù hợp khi nói về anh/chị/em của trẻ nhé!
Cho trẻ chơi các trò chơi và tiếp xúc với sách thay vì các thiết bị điện tử
Bố mẹ nên đọc sách và chơi cùng trẻ những trò chơi khuyến khích tương tác để trẻ phát triển ngôn ngữ, như hỏi đáp, ca hát, đọc bài đồng dao…, để trẻ trò chuyện nhiều hơn. Các thiết bị điện tử cũng có những lợi ích nhất định nhưng lại không giúp trẻ tương tác bằng lời, vì vậy, bố mẹ chỉ nên cho trẻ dùng nhiều nhất là 1-2 tiếng/ngày thôi.
Phát triển ngôn ngữ dựa trên những lời bi bô của trẻ
Khi trẻ nói bi bô, nhiều bố mẹ không biết có phải trẻ đang cố nói từ có ý nghĩa gì đó không, hay trẻ chỉ nói vu vơ vậy thôi. Tuy nhiên, việc này thực ra không quan trọng lắm. Bố mẹ hãy cứ coi những lời bi bô đó là có nghĩa. Ví dụ, trẻ nói: “Bo”, thì bố mẹ có thể đáp: “Đúng rồi, đó là quả bóng!” (dù chưa chắc trẻ đã có ý đó!). Từ đây, trẻ sẽ học được rằng, tiếng “bo” có thể tạo nên từ “bóng”, và trẻ sẽ muốn tiếp tục cố gắng nói nhiều hơn.
Nguồn tham khảo: Parents
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận