Khả năng đọc sách sớm của bé phát triển như thế nào?
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 27/08/2019
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bố mẹ những thông tin hữu ích về việc các kỹ năng ngôn ngữ và đọc viết của bé phát triển ra sao trong 3 năm đầu đời.
Kỹ năng ngôn ngữ và đọc viết bắt đầu phát triển từ những năm đầu đời của bé và liên kết chặt chẽ với những trải nghiệm liên quan đến sách truyện của con. Việc bé tương tác với những thứ như sách, giấy, bút và với người lớn chính là nền móng cho sự phát triển ngôn ngữ và kỹ năng đọc hiểu của con sau này.
Đọc được từ sớm không có nghĩa là biết đọc biết viết
Việc cố dạy trẻ đọc chữ từ sớm (khi trẻ chưa muốn) là không nên, thậm chí còn phản tác dụng và khiến trẻ không thích đọc sách, mà như thế thì không gọi là “biết đọc sách”. Cho nên, việc đọc sách sớm nên bắt đầu từ những kỹ năng phát triển tự nhiên, qua niềm yêu thích sách truyện, cộng với sự tương tác giữa trẻ với người lớn.
Bé làm những gì để khám phá sách truyện?
Việc bé sơ sinh đưa sách vào miệng, hành động cầm sách của bé 2 tuổi, và việc bé 5 tuổi biết lật trang sách, tất cả đều có mối liên hệ với nhau. Trong ba năm đầu đời, bé khám phá và tiếp xúc với sách, hát theo nhịp điệu, nghe kể chuyện, nhận biết con chữ và thậm chí là cầm bút viết nguệch ngoạc - đó là nền móng cho sự phát triển ngôn ngữ và khả năng đọc viết.
Dưới đây là những loại hành vi liên quan đến việc đọc viết của bé, cho thấy sự tiến bộ dần dần trong 3 năm đầu đời:
Cầm sách
Bao gồm những hành động mang tính thể chất, như cầm sách, gặm sách…
Nhìn và nhận biết
Bao gồm những hành vi liên quan đến việc bé tập trung và tương tác với hình ảnh trong sách, như nhìn chăm chú vào tranh hoặc cười khi nhìn thấy bức tranh thú vị. Ngoài ra, bé cũng thể hiện rằng mình bắt đầu hiểu hình ảnh, như chỉ vào những bức tranh có hình đồ vật quen thuộc.
Hiểu những câu chuyện và hình ảnh trong sách
Là những hành động thể hiện rằng bé hiểu ý nghĩa của bức tranh hay câu chuyện trong sách, như bắt chước theo tranh hoặc kể lại các sự kiện trong câu chuyện.
Kỹ năng đọc truyện
Là những hành động tương tác bằng lời nói với sách và hiểu rõ hơn về sách, ví dụ như bập bẹ (giả vờ) đọc theo hay chỉ ngón tay theo chữ trong sách.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận