Đọc sách cho trẻ: đọc khi nào và đọc sách gì?

Giao tiếp & Ngôn ngữ - 13/11/2019

Bố mẹ nên chọn thời điểm và thể loại sách phù hợp để đọc cho trẻ nghe, từ đó hỗ trợ tích cực cho sự phát triển ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ nhé!

Đọc sách và kể chuyện không phải là việc quá khó khăn. Nhưng nếu bố mẹ biết cách đọc và kể phù hợp, thì việc này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. 

Thời điểm nào là thích hợp?

Bố mẹ có thể đọc sách và kể chuyện cho trẻ vào bất kỳ thời điểm nào: trước khi đi ngủ, khi tắm, trong công viên, trong phòng chờ… Hãy coi đọc là một thói quen bằng cách luôn đem theo một cuốn sách để bố mẹ có thể đọc cùng trẻ ở bất kỳ đâu.

bố đọc sách cho bé sơ sinh
Bố mẹ hãy khiến việc đọc trở thành một thói quen hàng ngày của trẻ.

Trong khi đọc, bố mẹ hãy chú ý đến phản ứng của trẻ để biết điểm dừng. Nếu trẻ không còn hứng thú, bố mẹ hãy tạm ngừng và để lúc khác tiếp tục đọc sách, kể chuyện.

Nếu trong nhà không có sách truyện, bố mẹ có thể tự sáng tạo ra những câu chuyện của riêng mình. Ngoài ra, còn rất nhiều cách để bố mẹ cho trẻ làm quen với chữ cái, từ ngữ. Chẳng hạn, bố mẹ có thể chỉ và đọc cho trẻ những chữ ở:

  • Vỏ, thùng đựng đồ ở nhà và trong siêu thị, đặc biệt là vỏ đồ ăn.
  • Trên quần áo.
  • Thư, thiệp, báo. 
  • Biển báo, áp phích trên các cửa hàng, xe buýt, tàu… 
  • Thực đơn (khi cả nhà đi ăn tiệm, trẻ sẽ rất thích nhìn vào thực đơn và tự chọn những món mình thích).

Nên đọc sách gì cho trẻ?

Phần lớn trẻ nhỏ thường thích và học được rất nhiều qua những câu chuyện, bài hát có vần điệu, ư hay và có tính lặp lại. 

Bố mẹ nên chọn những cuốn sách phù hợp với sở thích của trẻ và có độ dài vừa phải với lứa tuổi của con.

bố đọc sách cho con gái trong vườn cây
Hãy chọn những cuốn sách phù hợp với sở thích và lứa tuổi của con.

Để tham khảo thêm thông tin về việc đọc sách cho trẻ theo từng độ tuổi, bố mẹ có thể xem những bài viết sau:

Ngoài ra, bố mẹ cũng nên chọn nhiều thể loại sách và tài liệu để đọc cho trẻ, như: sách ảnh, sách điện tử, tạp chí, sổ tay hướng dẫn sử dụng các đồ vật trong nhà… 

Nếu sử dụng sách điện tử, bố mẹ cũng nên chọn những cuốn không có quảng cáo trò chơi hay hình ảnh động, dễ gây xao nhãng. Ngoài ra, bố mẹ nên ngồi bên và cùng đọc sách điện tử với con, chứ đừng để con dùng thiết bị điện tử một mình nhé!

Những lưu ý khi đọc sách với trẻ nhỏ

  • Tạo thói quen đọc sách mỗi ngày và cố gắng đọc càng nhiều càng tốt. Bố mẹ có thể chuẩn bị cho trẻ một chiếc ghế thật thoải mái, chuyên để ngồi đọc sách.
  • Khi đọc sách, tắt mọi thiết bị gây xao nhãng để có không gian yên tĩnh và trẻ có thể nghe rõ giọng kể/đọc của bố mẹ.
  • Ôm trẻ hoặc cho trẻ ngồi vào lòng bố mẹ khi đọc sách, để trẻ nhìn được cả cuốn sách và khuôn mặt của bố mẹ.
  • Tạo ra những âm thanh thú vị cho câu chuyện thêm sinh động.
  • Khuyến khích trẻ bàn luận về những bức tranh, lặp lại những từ, cụm từ quen thuộc.
  • Để trẻ tự chọn cuốn sách yêu thích để đọc.
  • Không cần phải có thật nhiều thời gian thì mới đọc sách. Dù bố mẹ chưa đọc hết một cuốn sách trong một lần cũng không sao cả. Chỉ cần vài phút đọc sách thôi cũng là có ích cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ rồi.
  • Nếu trẻ có anh chị em, bố mẹ hãy để các con cùng nhau đọc sách. Qua đó, trẻ sẽ học được cách chờ đến lượt mình, cách đặt câu hỏi và lắng nghe câu trả lời. Đây đều là những kỹ năng quan trọng cho việc học đọc của trẻ sau này. 

bé trai đọc sách bên cửa sổ
Hãy cố gắng tạo điều kiện cho trẻ được tiếp xúc với sách càng nhiều càng tốt.

Nếu chưa có điều kiện mua nhiều sách, bố mẹ có thể trao đổi sách với bạn bè, người thân hoặc đưa trẻ đến thư viện để mượn sách. Tại thư viện, bố mẹ nên cho trẻ tự chọn sách và tương tác với trẻ bằng cách hỏi những câu như: “Con có định chọn những cuốn sách có động vật không?”, “Con muốn mượn mấy cuốn sách nào?”...

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận