Đồ chơi công nghệ: Lợi hay hại cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ?
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 05/11/2019
Trong cuộc sống bận rộn, nhiều bố mẹ lựa chọn cách cho trẻ dùng đồ chơi công nghệ. Cách này có thể khiến trẻ bớt làm phiền bố mẹ, nhưng liệu có ảnh hưởng gì tới sự phát triển ngôn ngữ của trẻ không?
Việc cho trẻ sử dụng đồ chơi công nghệ như máy chơi điện tử, máy tính bảng… ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn về cán cân lợi-hại của những món đồ chơi này đối với nhận thức nói chung của trẻ, và đặc biệt là sự phát triển ngôn ngữ. Vậy chúng ta hãy nghe ý kiến của các chuyên gia nhé!
Những lợi ích của việc vui chơi
Với trẻ dưới 3 tuổi, vui chơi giải trí là hoạt động cần thiết để giúp trẻ phát triển nhiều kỹ năng, từ nhận thức, kỹ năng xã hội, tư duy trừu tượng cho tới kỹ năng vận động, đồng thời đem đến nhiều lợi ích khác, cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Nhờ các hoạt động vui chơi giải trí, đặc biệt là những trò chơi truyền thống như đóng giả, xếp hình khối... trẻ sẽ phát triển một cách nhanh chóng và toàn diện.
Đồ chơi công nghệ có lợi hay hại đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ?
Trẻ nhỏ sẽ học hỏi được nhiều nhất thông qua sự tương tác với con người, chứ không phải với máy móc, dù là máy móc công nghệ cao.
Trong một nghiên cứu của tạp chí y khoa JAMA, các nhà khoa học đã theo dõi hoạt động vui chơi tại nhà của nhiều bố mẹ và trẻ nhỏ (10-16 tháng tuổi). Họ nhận thấy rằng, khi có đồ chơi công nghệ, bố mẹ và trẻ giảm trò chuyện với nhau bằng lời. Ngược lại, những trẻ chơi đồ chơi truyền thống như sách, khối gỗ... thì tương tác với bố mẹ nhiều hơn.
Đồ chơi công nghệ không đem lại những lợi ích đối với sự phát triển của trẻ như các loại đồ chơi truyền thống. Ví dụ, việc trẻ cầm bút tô màu lên giấy sẽ giúp các kỹ năng vận động tinh phát triển mạnh mẽ hơn là việc dùng ngón tay để tô màu trên màn hình máy tính bảng.
Thậm chí, những món đồ công nghệ hiện đại và đắt tiền đôi khi còn có hại cho sự phát triển của trẻ nhỏ, với những nguy cơ như:
- Hạn chế khả năng học hỏi từ vựng: Sự tương tác qua lại giữa người với người sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ theo cách tốt nhất. Khi trò chuyện với bố mẹ, trẻ sẽ học được nhiều từ vựng hơn là khi nghe sách âm thanh hoặc nghe tivi.
- Hạn chế khả năng sáng tạo của trẻ vì không tạo ra cảm hứng cho trẻ sử dụng trí tưởng tượng của mình. Ví dụ, việc xem video sẽ không dạy trẻ các kỹ năng giải quyết vấn đề, chấp nhận thất bại, hay hiểu được mối quan hệ nguyên nhân - kết quả như việc chơi xếp hình khối.
- Khiến trẻ giảm khả năng tập trung chú ý: Khi quá quen với những món đồ công nghệ và những yếu tố kích thích từ chúng, trẻ cảm thấy những đồ chơi đơn giản không còn hấp dẫn nữa. Dần dần, việc này sẽ khiến trẻ không thể tập trung chú ý được lâu vào bất kỳ chuyện gì.
Dù sao, bố mẹ cũng không nên cấm hoàn toàn việc trẻ sử dụng đồ chơi công nghệ. Thay vào đó, bố mẹ có thể sắp xếp xen kẽ những khoảng thời gian cho trẻ vận động, chơi những trò chơi truyền thống với những khoảng ngắn để chơi đồ chơi công nghệ. Khi trẻ dùng đồ công nghệ, bố mẹ nhớ theo dõi, hướng dẫn trẻ sử dụng hợp lý. Bằng cách này, trẻ vẫn có thể có nhiều hoạt động đa dạng, mà nhận thức chung, đặc biệt là sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, không phải chịu tác động tiêu cực gì.
Nguồn tham khảo: Parents
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận