Các cách giúp thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 24/09/2019
Ngôn ngữ và giao tiếp là một phần quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Do vậy, bố mẹ hãy hỗ trợ con tích cực, tùy theo độ tuổi nhé!
Sự phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp không phải chỉ là nói chuyện, mà còn bao gồm cả các cách mà trẻ nhỏ hiểu từ ngữ và truyền tải được thông tin (lời nói chỉ là một phần trong những cách truyền tải đó). Những tiến bộ trong ngôn ngữ và giao tiếp cũng là những dấu hiệu cho thấy sự phát triển khả năng nhận thức và các kỹ năng vận động tinh của trẻ.
Đọc chính là một trong những cách tốt nhất giúp thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ. Trẻ sơ sinh sẽ hiểu được mối liên kết giữa hình ảnh và từ ngữ qua việc vừa nghe bố mẹ nói, vừa nhìn hình ảnh trong sách. Nhờ đó, khi ở khoảng 9 tháng tuổi, trẻ sẽ có nền móng để học nói hiệu quả hơn.
Các cách giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ và giao tiếp
Dưới đây là một vài cách bố mẹ có thể tham khảo để thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ nhỏ ở từng độ tuổi khác nhau:
- Dưới 3 tháng: Trò chuyện nhẹ nhàng với trẻ, hát về những gì bố mẹ đang làm.
- 3 tháng: Trò chuyện và hát cho trẻ nghe. Bố mẹ hãy lặp đi lặp lại để trẻ có thể hiểu được từ ngữ và hành động. Ở giai đoạn này, trẻ có thể bắt đầu ê a và bố mẹ nên phản hồi lại những âm thanh của con.
- 6 tháng: Đọc sách, hát và đọc thơ. Bố mẹ cũng có thể miêu tả về những sự việc đang diễn ra xung quanh. Nếu trẻ ê a nói theo, bố mẹ đừng quên đáp lại con nhé!
- 9 tháng: Lúc này, trẻ sẽ bắt đầu biết nói những từ cơ bản. Do vậy, bố mẹ vẫn hãy tiếp tục trò chuyện với con qua các trò chơi, hát, nói lặp đi lặp lại các từ để thúc đẩy khả năng hiểu của trẻ.
- 12 tháng: Trẻ tiếp tục học nói và việc đọc sách sẽ giúp trẻ mở rộng vốn từ. Bố mẹ cũng thường xuyên nói tên mọi người, địa điểm và sự vật xung quanh để trẻ hiểu và ghi nhớ nhiều hơn.
- 18 tháng: Ở giai đoạn này, trẻ rất thích các hoạt động như hát, đọc thơ và liên kết hành động với từ ngữ. Tự tạo ra một cuốn sách gồm những truyện mà trẻ thích nghe để đọc hàng ngày, và theo dõi khả năng hiểu của trẻ.
- 2 tuổi: Lúc này, đa số trẻ đều đã biết tự nói những câu ngắn và trả lời được các câu hỏi đơn giản. Bố mẹ nên thường xuyên đọc sách cùng trẻ và bảo trẻ chỉ tay vào những bức hình khác nhau trong sách.
- 3 tuổi: Bố mẹ nên đề nghị con kể lại những câu chuyện mình thích và khuyến khích con đặt câu hỏi, đồng thời tiếp tục hát và đọc truyện cùng trẻ.
- 4 tuổi: Khuyến khích trẻ kể chuyện. Bố mẹ nên ghi lại những câu chuyện đó và bảo trẻ vẽ hình minh họa.
- 5 tuổi: Bố mẹ nên tiếp tục đọc nhiều kiểu sách cho trẻ nghe, đồng thời, khuyến khích trẻ kể chuyện dài hơn bằng cách hỏi: “Sau đó thế nào?”, “Rồi có chuyện gì xảy ra nữa nhỉ?”. Những trò chơi liên quan đến vần điệu cũng rất tốt cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận