6 yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ

Giao tiếp & Ngôn ngữ - 01/12/2019

Từ 2-5 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển ngôn ngữ rất nhanh chóng. Do đó, bố mẹ nên lưu ý tới 6 yếu tố có thể tác động đến ngôn ngữ của trẻ, để có thể hỗ trợ trẻ tích cực và hiệu quả nhất nhé!

Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ bao hàm mọi phương thức giao tiếp: nghe, nói, đọc, viết, biểu cảm khuôn mặt và các kiểu giao tiếp phi ngôn ngữ khác. Dưới đây là 6 yếu tố chính có thể ảnh hưởng tới quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ:

Sức khỏe và sự phát triển thể chất 

Bệnh tật có thể ảnh hưởng đến thính giác của trẻ, khiến trẻ giảm khả năng hiểu ngôn ngữ nói cũng như những tín hiệu âm thanh khác. Việc này lại cản trở sự phát triển giao tiếp và ngôn ngữ của trẻ. 

trẻ nhỏ nằm trên giường, phát triển ngôn ngữ
Bệnh tật có thể ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của trẻ.

Hơn nữa, để trẻ có thể phát âm hiệu quả, dây thanh âm cùng các cơ trên khuôn mặt phải phát triển đầy đủ. Trẻ cũng cần có các kỹ năng vận động tinh để có thể tập viết và vẽ. Ngoài ra, trẻ mà ốm yếu thì cũng không nhiệt tình nói năng hoặc có các hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ. Vậy chúng ta có thể thấy rằng, sự phát triển thể chất có ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Môi trường sống

Môi trường sống với ngôn ngữ phong phú là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển giao tiếp của trẻ. Càng có cơ hội được nghe nói, nghe đọc, nghe kể nhiều, trẻ lại càng muốn học nói và đọc. Còn nếu trẻ không được tiếp xúc nhiều với những tình huống xã hội thực tiễn có liên quan tới ngôn ngữ, thì sự phát triển ngôn ngữ của trẻ cũng có thể bị cản trở.

Khả năng nhận thức

Những trẻ có khả năng nhận thức tốt sẽ hiểu về ngôn ngữ sớm hơn, có vốn từ vựng vững chắc và sớm biết sử dụng các cấu trúc câu phức tạp. Tuy nhiên, những trẻ có các kỹ năng ngôn ngữ phát triển chậm thì không nhất thiết là do nhận thức kém, mà có thể do nhiều yếu tố khác.

bé sơ sinh nằm sấp trên giường, phát triển ngôn ngữ
Những trẻ có khả năng nhận thức tốt sẽ hiểu về ngôn ngữ sớm hơn.

Giới tính

Giới tính cũng là một nhân tố đóng vai trò đáng kể trong sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Khi được khoảng 2 tuổi, các bé gái thường hiểu ngôn ngữ nói nhanh hơn, giao tiếp thành thạo hơn các bé trai. Điều này đôi khi được cho là vì các bé gái gần gũi với bố mẹ hơn, nên học được nhiều hơn.

Anh chị em ruột

Nhiều nhà khoa học cho rằng, những trẻ là con một sẽ hiểu và biết cách sử dụng ngôn ngữ tốt hơn, do bố mẹ tập trung hơn khi trò chuyện với trẻ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng trẻ có càng nhiều anh chị em thì sẽ càng có nhiều cơ hội sử dụng ngôn ngữ, nên các kỹ năng ngôn ngữ mới phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.

bé trai nằm trên giường cùng em bé sơ sinh, phát triển ngôn ngữ
Việc có anh chị em ruột cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Động lực

Nếu trẻ không có mong muốn giao tiếp và hiểu thế giới xung quanh mình, thì sự phát triển ngôn ngữ của trẻ sẽ không được tốt. Do đó, trẻ cần hiểu được ý nghĩa và sự cần thiết của việc sử dụng ngôn ngữ. Chính việc bố mẹ trò chuyện nhiều với trẻ, đọc cho trẻ nghe (sách báo, chữ trên đồ dùng…), cùng trẻ viết vẽ… sẽ khiến trẻ nhận ra được vai trò của ngôn ngữ trong cuộc sống thường ngày.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận