3 việc dễ dàng để bố mẹ giúp trẻ phát triển kỹ năng đọc viết
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 18/09/2019
Kỹ năng đọc viết là rất quan trọng trong việc học tập của trẻ nói riêng và quá trình phát triển toàn diện của trẻ nói chung. Do vậy, bố mẹ rất nên có đủ thông tin để giúp con phát triển kỹ năng này một cách phù hợp và thực sự vui vẻ.
Với kỹ năng đọc viết, trẻ sẽ học tốt hơn ở trường, tạo dựng được nhiều mối quan hệ với bạn bè, trở nên độc lập hơn và về sau này cũng dễ thành công trong sự nghiệp hơn.
Để đọc viết được, trước hết, trẻ phải phát triển những khả năng rất cơ bản như nghe, nói, hiểu, quan sát, vẽ…, nên cần được tiếp xúc nhiều với âm thanh, chữ cái, hình ảnh và đồ vật xung quanh. Dưới đây là những cách bố mẹ có thể áp dụng để giúp trẻ học hỏi dễ dàng và vui vẻ:
Giao tiếp thật nhiều với trẻ
Việc bố mẹ giao tiếp với trẻ sẽ giúp trẻ phát triển khả năng nghe, nói, hiểu, học được từ mới và hình thành các kỹ năng ngôn ngữ.
Bố mẹ nên:
- Bắt chước lại âm thanh bi bô của trẻ, hoặc có thể nói bằng giọng cưng nựng, lúc bổng lúc trầm và nhấn mạnh vào từ quan trọng.
- Hát cho trẻ nghe.
- Nói với trẻ về những điều đơn giản hàng ngày, về việc bố mẹ đang cùng làm, cùng xem với trẻ. Ví dụ: “Đi tắm thôi nào” hoặc “Hôm nay nhà mình ăn trưa ngon quá!”.
- Trò chuyện về cảm xúc, gọi tên và mô tả cảm xúc của trẻ để trẻ cũng có thể hiểu được cảm xúc của người khác.
- Kể chuyện cho trẻ. Bố mẹ có thể kể những câu chuyện về ngày mình còn nhỏ hoặc cùng trẻ tự nghĩ ra những câu chuyện mới.
- Lắng nghe trẻ, cố gắng trao đổi về những chủ đề mà trẻ thích. Nếu con hỏi, hãy để con đưa ra câu trả lời trước rồi bố mẹ trả lời sau. Ví dụ, nếu con hỏi: “Đó là hộp gì ạ?”, bố mẹ có thể hỏi lại: “Con thử đoán xem đó là gì?”.
- Đọc đi đọc lại cho đúng những từ mà trẻ đọc sai.
Ngoài ra, nếu có thể, bố mẹ hãy giao tiếp với trẻ nhỏ bằng những ngôn ngữ khác. Bố mẹ có thể tham khảo những lợi ích của ngoại ngữ đối với trẻ nhỏ tại đây.
Đọc sách cùng con
Trẻ sơ sinh đã nên được nghe bố mẹ đọc sách. Đó là cơ sở vững chắc cho việc phát triển kỹ năng đọc viết sau này. Ngoài ra, nhờ việc đọc, mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ cũng càng trở nên gắn bó hơn.
Khi đọc sách cùng con, bố mẹ sẽ giúp trẻ:
- Hiểu rằng sách vở vừa đem lại thông tin, vừa đem lại niềm vui.
- Học cách phát âm.
- Hiểu rằng những câu chuyện này đến từ các câu chữ viết trong sách, tức là khác với những chuyện mà bố mẹ kể ra.
- Phát triển vốn từ vựng.
- Phát triển các kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề.
- Suy ngẫm và trò chuyện về những khái niệm, sự kiện mới mà trẻ thích.
Khi đọc sách cùng trẻ, bố mẹ nên:
- Chọn sách có các từ ngữ có vần điệu, lặp đi lặp lại cho trẻ nhỏ.
- Để trẻ tự cầm và lật trang sách, nhờ đó, trẻ sẽ dần hiểu cách đọc sách.
- Di ngón tay bên dưới những từ bố mẹ đang đọc để trẻ hiểu rằng mình sẽ đọc chữ từ trái qua phải. Trong lúc đọc, bố mẹ có thể hỏi những câu như: “Trang này mình đọc từ đâu nhỉ?” hoặc “Con biết đây là chữ gì không?”.
- Chỉ vào tranh và nói về những bức tranh mà trẻ chỉ tay vào.
- Giả âm thanh các con vật hoặc đồ vật trong sách cho vui.
- Cho trẻ đến thư viện hoặc hiệu sách.
Dạy trẻ về vần điệu
Đây là cách tốt nhất để dạy trẻ về mối liên kết giữa cách phát âm và cách viết của các từ.
Bố mẹ nên:
- Cùng trẻ chơi những trò với các từ ngữ có vần điệu, ví dụ như đọc các điệu vè dân gian.
- Tìm đọc những cuốn sách văn thơ có vần điệu cho trẻ nhỏ.
Tóm lại, những trải nghiệm ngôn ngữ sớm như trò chuyện, hát và đọc sẽ giúp trẻ xây dựng những kỹ năng vững chắc để đọc, viết và tư duy sau này.
Nguồn tham khảo: Raising Children
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận