Hội chứng “sợ người lạ”, và bố mẹ cần làm gì để giúp bé?

Cảm xúc & Kết nối xã hội - 29/08/2019

Sợ người lạ là phản ứng bình thường và phổ biến trong quá trình phát triển kết nối xã hội của bé. Bố mẹ cũng có một số cách để giúp bé cảm thấy yên tâm và từ đó, dễ tiếp xúc với người khác hơn.

Sợ người lạ là phản ứng phổ biến ở bé, nhưng đôi khi lại khiến bố mẹ lo lắng, không biết rằng con mình có nhút nhát quá không. Bài viết dưới đây của ODPHUB sẽ giúp bố mẹ giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề này nhé!

Những điều cần biết về chứng sợ người lạ

Chứng sợ người lạ là một mốc phát triển bình thường của bé. Nó xảy ra khi bé dần gắn bó với người thân, đặc biệt là bố mẹ. Vì bé thích người quen hơn, nên trước người lạ, bé có thể có cảm xúc tiêu cực như quấy khóc, hoặc im lặng, sợ sệt, xấu hổ và trốn tránh.

Biểu hiện sợ người lạ có thể rõ nét hơn khi bé được 7-10 tháng tuổi, kéo dài trong vài tháng hoặc lâu hơn, và thường sẽ hết khi bé được 1 tuổi rưỡi tới 2 tuổi.

Hoi Chung So Nguoi La Va Bo Me Can Lam Gi De Giup
Chứng sợ người lạ là một mốc phát triển bình thường của bé

Những điều bố mẹ có thể làm để giúp bé đỡ sợ người lạ

Mặc dù chứng sợ người lạ là một phần trong quá trình phát triển của trẻ em, nhưng bố mẹ vẫn có thể giúp bé đỡ căng thẳng trong giai đoạn này.

Giúp bé cảm thấy thoải mái khi có người lạ ở xung quanh

  • Không nên phớt lờ hoặc gạt bỏ nỗi sợ của bé, điều này chỉ khiến bé thấy sợ thêm.
  • Nắm tay bé hoặc để bé ngồi trong lòng bố mẹ khi bé gặp những người mới.
  • Nếu được thì bố mẹ nên giới thiệu người lạ cho bé ở nhà mình trước, vì nhà là nơi bé thoải mái nhất.
  • Nếu bé cảm thấy khó chịu với một người mới, bố mẹ nên thử cách tiếp cận khác, như sắp xếp cho mọi người cùng chơi với nhau. Bố mẹ cũng có thể bế con ra xa, đợi bé bình tĩnh lại, rồi cho bé làm quen lần nữa.
  • Mang theo những đồ vật giúp bé cảm thấy bình tĩnh và thoải mái hơn (đồ chơi hoặc chăn) mỗi khi có tiếp xúc với người lạ.
  • Bố mẹ phải bình tĩnh trước, vì bé luôn cảm nhận được thái độ của bố mẹ.

Hoi Chung So Nguoi La Va Bo Me Can Lam Gi De Giup
Bố mẹ giúp bé cảm thấy thoải mái khi có người lạ ở xung quanh

Cho bé thời gian làm quen

  • Hãy kiên nhẫn và không ép bé phải tới gần người lạ khi bé chưa sẵn sàng.
  • Khi bố mẹ giới thiệu người mới với bé, hãy đứng sát bên bé để bé yên tâm.
  • Đề nghị những người chưa từng gặp bé, như họ hàng xa hay bạn bè bố mẹ, đừng vội ôm hay bế bé.
  • Với bé lớn hơn một chút, bố mẹ hãy giải thích về người bé sắp gặp: người đó là ai, gặp bé để làm gì...

Gặp gỡ những người mới

  • Tiếp tục giới thiệu bé với những người mới. Bé càng có cơ hội tiếp xúc với những người đó và hiểu rằng họ không làm hại mình, thì chứng sợ người lạ của bé sẽ càng giảm.
  • Chứng minh cho bé thấy rằng bố mẹ không ngại người lạ. Khi gặp người lạ, bố mẹ nên tỏ ra thân thiện bằng cách mỉm cười, nhìn thẳng vào mắt đối phương và trò chuyện vui vẻ.
  • Khi bé lớn hơn, bố mẹ hãy giúp bé luyện tập những việc nên làm để bình tĩnh khi gặp người lạ, ví dụ như tập hít thở sâu.
  • Bố mẹ không nên quá lo lắng rằng những người lớn khác sẽ nghĩ gì. Họ sẽ thông cảm khi bố mẹ giải thích rằng bé đang học cách làm quen với những người mới.

Hoi Chung So Nguoi La Va Bo Me Can Lam Gi De Giup
Bố mẹ hãy để bé có cơ hội tiếp xúc với những người mới và hiểu rằng họ không làm hại mình, chứng sợ người lạ của bé sẽ thuyên giảm.

Khi nào thì bố mẹ nên tìm đến sự giúp đỡ?

Chứng sợ người lạ quá mạnh mẽ có thể dẫn đến chứng rối loạn lo âu khi bé lớn lên. Vì vậy, khi nỗi sợ của bé trở nên cực đoan hoặc vẫn tiếp diễn ngay cả khi xung quanh chẳng có ai xa lạ, thì bố mẹ nên hỏi ý kiến của các chuyên gia y tế.

Ngoài ra, nếu chứng sợ người lạ của bé không giảm đi, hoặc thậm chí còn tệ hơn sau năm 2 tuổi thì bố mẹ cũng nên tìm sự hỗ trợ để khích lệ tính độc lập của bé.

Hoặc nếu trong gia đình có người mắc hội chứng rối loạn lo âu thì bé cũng có thể có những dấu hiệu sớm của bệnh này.

Nguồn tham khảo: Raising Children

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận