Trẻ đọc hiểu kém: Nguyên nhân và cách hỗ trợ
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 14/03/2020
Nguyên nhân trẻ đọc hiểu kém là gì? Bố mẹ có thể làm những gì để hỗ trợ con hiệu quả? ODPHUB mời bố mẹ tham khảo bài viết dưới đây!
Có những trẻ đọc đi đọc lại một câu hoặc đoạn văn ngắn nhưng vẫn không thể hiểu những gì mình vừa đọc. Nhiều bố mẹ dành ra nhất nhiều thời gian và công sức nhằm dạy trẻ tập đọc nhưng lại không thấy con mình cải thiện nhiều. Điều này khiến không ít bố mẹ lo lắng và băn khoăn không biết nên làm thế nào để hỗ trợ trẻ đọc hiểu kém cải thiện vấn đề này.
Nguyên nhân trẻ đọc hiểu kém
Nhiều bố mẹ có thể sẽ thắc mắc: "Trẻ đọc hiểu kém là như thế nào?". Những trẻ đọc hiểu kém thường gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hiểu những gì mình đã đọc. Để có thể hiểu ý nghĩa của một câu hay đoạn văn, trẻ cần có những kỹ năng đọc hiểu nhất định. Có một vài yếu tố chủ yếu ảnh hưởng tới quá trình đọc hiểu và ghi nhớ của trẻ:
Tốc độ đọc: Trẻ có đọc chậm không?
Nếu gặp nhiều khó khăn trong việc đọc từng từ, trẻ cũng sẽ khó hiểu hết ý nghĩa của cả câu. Thời gian đọc một câu hoặc một đoạn càng lâu, trẻ sẽ càng khó ghi nhớ và suy ngẫm về nghĩa của những gì mình vừa đọc. Do đó, việc đọc quá chậm có thể khiến trẻ đọc hiểu kém hơn.
Từ vựng: Trẻ có hiểu hầu hết những từ trong câu hay không?
Cũng giống như người lớn chúng ta, khi làm những việc quen thuộc thì sẽ làm nhanh hơn, thuần thục hơn, khi gặp các vấn đề đã từng trải qua trước đó cũng sẽ phản ứng nhanh hơn và có nhiều kinh nghiệm xử lý hơn. Đối với việc đọc của trẻ cũng vậy, trẻ đọc những đoạn văn có nhiều từ quen thuộc sẽ dễ hiểu hơn là những đoạn có quá nhiều từ mới. Khi gặp những từ mới, trẻ sẽ phải tìm hiểu từ đấy nghĩa là gì, sau đó quay lại ghép nghĩa vào ngữ cảnh của đoạn văn, chính vì thế, việc đọc hiểu của trẻ cũng sẽ trở nên chậm hơn, khó khăn hơn.
Sở thích: Trẻ có quan tâm đến chủ đề mà mình đang đọc không?
Trẻ nhỏ thường khó tập trung và rất dễ bị phân tâm, nhất là khi đọc về những chủ đề mà mình không thích. Nếu đọc về chủ đề mình quan tâm, trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ và có hứng thú hơn với việc đọc, từ đó tập trung và hiểu rõ hơn nội dung trong sách.
>>> Tham khảo thêm: Cách dạy trẻ tập trung mà bố mẹ nào cũng nên biết
Áp lực: Liệu trẻ có bị áp lực khi phải học tập đọc không?
Những trẻ gặp khó khăn trong việc đọc đôi khi có thể cảm thấy áp lực. Lúc này, trẻ có xu hướng lo lắng rằng mình sẽ không hiểu được đoạn văn, dẫn đến tình trạng mất tập trung và hiểu không hết ý.
Cách hỗ trợ trẻ cải thiện kỹ năng đọc hiểu
Những yếu tố trên có thể ảnh hưởng đến quá trình đọc và hiểu của trẻ. Tuy nhiên, có rất nhiều cách bố mẹ có thể áp dụng để giúp trẻ cải thiện các kỹ năng đọc hiểu:
- Sau khi trẻ đọc xong, hỏi trẻ những câu liên quan đến nội dung bài, ví dụ như: “Tại sao nhân vật đó lại cảm thấy như vậy?”, “Bạn ấy có thể sẽ làm gì tiếp theo?”. Việc này sẽ giúp não bộ của trẻ tạo ra sự kết nối giữa suy nghĩ của mình với những gì mình vừa đọc.
- Khuyến khích trẻ đọc lại một vài lần những câu mà mình không hiểu, sau đó tìm một vài ý xung quanh câu đó để suy đoán về ngữ cảnh của cả đoạn.
- Bảo trẻ chú ý tới những bức hình minh họa. Những cuốn sách, truyện dành cho trẻ nhỏ thường có hình minh họa sinh động, rõ ràng. Những bức hình đó đôi khi có thể giúp trẻ hiểu được phần nào ý nghĩa của những từ mới.
Quá trình hỗ trợ cho trẻ đọc hiểu kém cải thiện các kỹ năng đọc có thể sẽ khiến bố mẹ phải bỏ ra nhiều thời gian và nỗ lực. Bố mẹ hãy kiên nhẫn và theo dõi trẻ sát sao nhé! ODPHUB hy vọng qua bài viết trên, bố mẹ sẽ chọn ra được cho mình phương pháp hiệu quả để hỗ trợ cho trẻ.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận