Trẻ sợ đi khám, bố mẹ phải làm sao?
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 18/08/2020
Trẻ sợ đi khám, sợ gặp các bác sĩ, y tá là hiện tượng không còn mấy lạ lẫm đối với người lớn. Vậy bố mẹ phải làm sao để giúp con vượt qua nỗi sợ hãi này?
Trẻ nhỏ thường rất sợ khi phải đi khám, đi gặp bác sĩ. Thậm chí, “bệnh viện” hay “bác sĩ” đôi khi trở thành “từ khóa” để người lớn dọa nạt trẻ mỗi khi con không nghe lời. Vậy làm thế nào để trẻ bớt căng thẳng, sợ hãi hơn khi đi khám bệnh, giúp những trải nghiệm của trẻ khi tới các phòng khám, bệnh viện trở nên dễ chịu hơn? Bố mẹ tham khảo những cách sau đây để khắc phục tình trạng trẻ sợ đi khám nhé!
1. Tập đóng vai trước khi đi khám
Việc bố mẹ và trẻ tập đóng vai trước khi đi khám có thể giúp trẻ chuẩn bị trước về tâm lý, dễ dàng hợp tác hơn trước những yêu cầu của các bác sĩ và y tá. Qua hoạt động này, trẻ sẽ dễ hình dung hơn về những gì mình sẽ trải qua trong buổi khám bệnh.
Bố mẹ có thể cùng trẻ chơi trò đóng giả để giúp con làm quen với quy trình khám tại bệnh viện. Ví dụ, mẹ đóng vai bác sĩ, bố đóng vai bệnh nhân. Trước hết, mẹ mời “bệnh nhân” bố vào khám. Sau đó, mẹ làm giả các động tác như nghe phổi, tim, ấn bụng, yêu cầu “bệnh nhân” há to miệng để khám họng hoặc siêu âm, lấy máu xét nghiệm…
Tiếp theo, mẹ có thể cho bé đóng giả làm bệnh nhân và thực hiện các hoạt động giống như với “bệnh nhân” bố trước đó.
2. Không nói dối trẻ
Nhiều bố mẹ thường nói dối trẻ rằng sẽ đưa con đi đâu đó như ra công viên, về quê, đi siêu thị… nhưng thực chất lại đưa con tới bệnh viện. Tuy nhiên, bố mẹ nên nói chuyện thành thật với trẻ về vấn đề khám bệnh. Hãy thông báo trước với trẻ về lịch khám bệnh và giải thích rõ ràng với con, ví dụ như: “Con đang ốm rồi nè, nếu không tới gặp bác sĩ thì con sẽ ốm hơn đó. Vậy nên mình cùng tới bệnh viện con nhé?”.
Tại cơ sở khám bệnh, khi các bác sĩ cần thực hiện các thủ thuật như lấy máu xét nghiệm, bố mẹ cũng hãy thành thật và an ủi con rằng việc lấy máu có thể sẽ khiến con đau, nhưng các bác sĩ và điều dưỡng sẽ làm hết sức nhẹ nhàng để giúp cảm thấy dễ chịu nhất.
3. Không lấy nhân viên y tế để dọa nạt trẻ
Nhiều bố mẹ thường lấy các cụm từ như “bác sĩ” hay “bệnh viện” để dọa nạt trẻ mỗi khi con không nghe lời, ví dụ như: “Con mà hư là bác sĩ sẽ đến tiêm đấy!”, “Ngoan kẻo bác sĩ mắng”, “Ăn nhanh kẻo mẹ đưa đi bác sĩ”... Những lần dọa nạt như vậy không những không có tác dụng trong việc giúp trẻ nghe lời hơn, mà còn đem lại “tác dụng phụ”. Việc bố mẹ lấy các bác sĩ, y tá để dọa nạt trẻ sẽ hình thành cho trẻ tâm lý sợ hãi mỗi khi phải tới bệnh viện, phòng khám và gặp bác sĩ.
Thay vì như vậy, bố mẹ hãy nói với con những điều tốt đẹp về bác sĩ. Chẳng hạn, bố mẹ có thể nói: “Các bác sĩ có thể giúp con khỏi ốm để con khỏe mạnh và đi chơi với các bạn” hoặc “Các cô điều dưỡng tiêm thuốc cho con để con mau khỏi bệnh đó”.
4. Cha mẹ cũng cần là những người không “sợ bác sĩ”
Muốn trẻ không sợ đi khám nữa, thì chính bố mẹ cũng cần thể hiện sự tự tin mỗi khi đưa con tới bệnh viện, phòng khám bằng cách tìm hiểu kỹ các thủ tục trước khi đi khám. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên chú ý lắng nghe những trao đổi của bác sĩ. Khi đã nắm chắc các thông tin cần thiết, bố mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện đúng quy trình khám chữa bệnh cho trẻ.
>>> Tham khảo thêm: Nguyên tắc khi đưa trẻ đi khám bố mẹ nào cũng cần nắm rõ
Tình trạng trẻ sợ đi khám sẽ không còn là mối lo ngại quá lớn nếu bố mẹ biết cách chuẩn bị tốt tinh thần cho con. ODPHUB hy vọng bài viết trên có thể giúp bố mẹ hỗ trợ tích cực cho trẻ để vượt qua nỗi lo lắng, sợ hãi vào mỗi lần đi khám bệnh.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận